Nhận định Lê_Nhân_Tông

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có dẫn lời nhận xét của sử quan nho thần Phan Phu Tiên về Lê Nhân Tông:[1]

Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ. Đến lúc cuối đời bị lũ vô lại Đồn, Ban xướng xuất, khiến Lệ Đức hầu Nghi Dân đang đêm bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm, vua và Tuyên Từ Hoàng thái hậu đều bị hại. Thương thay !

— Phan Phu Tiên

Ngô Sĩ Liên làm Triều liệt Đại phu Quốc Tử giám Tư nghiệp kiêm Sử quan Tu soạn vào niên hiệu Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, khi soạn sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đã đánh giá Lê Nhân Tông là vị hoàng đế giỏi giữ cơ đồ:[1]

Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại. Thương thay!

— Ngô Sĩ Liên

Bài văn bia tại Mục Lăng do hai văn thần Nguyễn TrựcNguyễn Bá Ký biên soạn thì ca ngợi đức độ và công lao của Lê Nhân Tông như sau:[1]

Vua thần sắc anh tuấn, dung dáng đúng đắn, mỗi khi tan chầu, thân đến kinh diên đọc sách, mặt trời xế bóng về Tây mới thôi. Khi đã thân coi chính sự thì tế thần kỳ, thờ tôn miếu, đối với Thái hậu thì dốc lòng hiếu đễ, đối với anh em thì hết lòng thương yêu, hòa thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn chuộng Nho thuật, xét lời gần, nghe lời xa, chăm sóc chính sự, cẩn thận thưởng phạt, trọng việc nông tang chuộng nghề gốc rễ, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không ham săn bắn, không gần thanh sắc, không hám tiền của, hậu đối với người, bạc đối với mình, bên trong yên tĩnh, bên ngoài thuận lòng, răn cấm tướng ngoài không gây hấn khích. Đến khi Chiêm Thành hai lần cướp Hóa Châu thì sai tướng đem quân đi đánh, bắt được chúa nó là Bí Cai, nước lớn sợ uy, nước nhỏ mến đức. Phàm chính sự đều noi theo phép cũ, đều có phép sẵn, sai đình thần bàn hết tất cả rồi mới thi hành; cho nên chính trị hay giáo hóa tốt, khắp ra bốn biển, trăm họ mến đức, đời được thái bình. Ngày băng thình lình, trăm họ như mất cha mất mẹ. Ôi tư chất của vua như vậy mà gặp phải tai biến như vậy, thì chẳng phải là trời đất rộng lớn dường ấy mà loài người vẫn còn có chỗ đáng tiếc đó sau?

Tuy nhiên, Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng dẫn lời bài Trung Hưng Ký được viết vào niên hiệu Quang Thuận thời Lê Thánh Tông; bài này nhìn nhận rất tiêu cực về chính sự thời Lê Nhân Tông và Tuyên Từ Hoàng thái hậu:[1]

Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Hành khiển Nguyễn Hữu Quang, Nội mật Lê Hoàn Chi, hoạn quan chừng năm sáu bọn mà không một người đóng cửa cho nghiêm; Cấm vệ Lê Đắc Ninh, Chỉ huy Lê Hoằng Dục, vệ sĩ đến tám chín lũ mà không một ai mang mộc che đỡ. Lòng người sôi động, đường sá xôn xao. Họ ngoại như Văn Lão, Xương Lê, lòng như quỷ quái, vị không như Trần Lựu, Đỗ Tư ai chẳng cười chê? Cửa ngõ thì sơ sài, tay không cũng phá nổi... Thế là nó dẫn quân cú vọ cáo cầy, ngầm nuôi mưu kế cướp ngôi phản nghịch. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phương chó lợn hơn 300 đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như là vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay.

— Trưng Hưng Ký